Chủ nhân VinFast VF8 đã có chuyến trải nghiệm thực tế xe điện này sau hành trình 800 km từ TP.HCM đến Đà Lạt và quay về để cảm nhận khả năng vận hành, sự tiện dụng về sạc điện cũng như khác biệt so với ô tô dùng động cơ xăng, dầu.
Một trong những băn khoăn của người dùng ô tô điện tại Việt Nam khi di chuyển xa chính là sự ổn định và tiện lợi về vấn đề sạc pin cho xe. Mới đây, một chủ xe điện VinFast VF8 đã chia sẻ sự trải nghiệm thực tế cùng mẫu xe này sau hành trình từ TP.HCM đến Đà Lạt để ghi nhận việc sử dụng xe ô tô điện khác biệt thế nào với xe xăng hay dầu.
TP.HCM đi Đà Lạt: 1 lần sạc
Xuất phát tại quận Gò Vấp, TP.HCM với lượng pin đầy 95% đã nạp vào đêm trước, dự định ban đầu của tôi sẽ đến Bảo Lộc (cách TP.HCM khoảng 200 km), kết hợp ăn trưa và sạc pin bổ sung.
Tuy nhiên, hành trình có chút trục trặc khi phải trải qua những đoạn đường ùn tắc trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bởi có một xe container bị nổ lốp, mất khoảng 45 phút. Trong quá trình này, tôi cũng nhận ra chiếc VinFast VF8 không hao pin quá nhiều khi xe phải di chuyển rất chậm, thoát khỏi đoạn kẹt xe, lúc này pin vẫn báo còn 85%.
Do đã di chuyển trễ hơn so với lịch trình dự kiến, thay vì dừng chân ở Bảo Lộc, tôi điều khiển xe di chuyển đến trạm dừng trên đèo Chuối. Tại đây có trạm sạc nhưng lại cách xa điểm ăn trưa nên tôi quyết định không sạc pin ở đây, lượng pin lúc này còn 60%.
Tiếp tục di chuyển lên đèo Bảo Lộc, lúc này xe tiêu hao pin khá nhiều do phải liên tục leo dốc, ước tính mất khoảng 10% lượng pin để leo hết đèo Bảo Lộc.
Lúc này, kế hoạch sạc pin bổ sung cho VinFast VF8 thay đổi từ Bảo Lộc sang địa điểm thác Bobla ở huyện Di Linh, tại đây có trụ sạc công suất lên đến 250 kWh. Khi xe di chuyển tới điểm sạc này, lượng pin báo còn 33%.
Thời điểm dừng ở trạm sạc khoảng 1 giờ trưa, do xe di chuyển liên tục nên nhiệt độ pin khá cao. Một phần do xe phải sạc pin giữa thời tiết nắng nóng, chiếc VinFast VF8 sạc nhanh lên 77% trong 25 phút sau đó tự động tạm dừng vì xe nhận thấy pin có thể quá nhiệt. Trong thời gian chờ sạc, có thể thưởng thức nước uống tại khu du lịch thác Bobla.
Như vậy, kế hoạch sạc pin lên 90% ban đầu không thể thực hiện do pin quá nhiệt, tôi lái xe thẳng tiến Đà Lạt với lượng pin còn 77%. Lúc này cách thành phố ngàn hoa khoảng 80 km nên tôi không quá lo lắng.
Đến Đà Lạt lượng pin còn 59%, việc leo đèo Mimosa (do đèo Prenn đang đóng để sửa chữa) khiến xe hao pin hơn mức bình thường, lúc này xe còn khoảng 51% lượng pin để tiếp tục di chuyển tại Đà Lạt cho tới ngày về. Nhìn chung, chiều đi khá thoải mái, thời gian chờ đợi 20 – 30 phút sạc pin cũng là lúc tài xế có thể nghỉ ngơi, thư giãn.
Nếu muốn lái xe liên tục từ TP.HCM đến với Đà Lạt, sau khi sạc đầy pin ô tô điện VinFast VF8 vẫn có thể đáp ứng. Ước tính xe sẽ còn khoảng 10 – 15% lượng pin khi tới điểm đến. Tuy nhiên, tôi không khuyến cáo điều này, xe nên được sạc ở Bảo Lộc hoặc Di Linh để khi tới nơi vẫn còn lượng pin đủ nhiều để di chuyển tại Đà Lạt.
Di chuyển tại Đà Lạt: 1 lần sạc pin
3 ngày loanh quanh thành phố Đà Lạt không tính thời gian đi từ TP.HCM, mỗi ngày xe di chuyển khoảng 30 – 50 km đến điểm du lịch. Xe hao pin không đáng kể, lượng pin 51% còn lại khi chạy từ TP.HCM đi Đà Lạt dư sức giúp xe thoải mái di chuyển trong 2 – 3 ngày.
Địa hình tại Đà Lạt có nhiều dốc cao nên xe tiêu hao pin hơn bình thường khi di chuyển, những lúc leo dốc sẽ tốn pin hơn nhưng bù lại xe xuống dốc nhờ pin được tái tạo. VinFast VF8 có sức mạnh ổn, cảm giác lái tốt.
Trước ngày di chuyển về TP.HCM, tôi chủ động đưa xe đến sạc tại Dinh Bảo Đại III. Lúc này, xe vẫn còn 30% lượng pin. Điểm sạc này có 5 trụ 60 kWh, sạc được 10 xe cùng lúc và tất cả đã được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, số lượng xe đến sạc khá đông và có thể phải chờ đợi.
Đây cũng là bất cập với người dùng khi đến với thành phố ngàn hoa bằng ô tô điện VinFast, tại đây có 2 điểm sạc nhưng hầu hết đều bị taxi “chiếm đóng” gần hết trụ sạc. Người dùng cá nhân nếu có nhu cầu sạc sẽ phải chờ mới có chỗ trống.
Mất khoảng 1 giờ 30 phút để xe sạc pin lên 90%, sở dĩ chỉ sạc đến 90% do chiều về lại TP.HCM sẽ đổ dốc nhiều, phanh tái sinh của xe sẽ hoạt động để sạc thêm pin cho xe. Nếu sạc pin đầy, phanh tái sinh sẽ không hoạt động do không còn chỗ để “nhét” thêm điện. Trong đêm cuối tại Đà Lạt, tôi điều khiển xe đến nhiều điểm và mất thêm 9% lượng pin.
Đà Lạt về TP.HCM: không cần sạc giữa đường
Khởi hành tại khu vực hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), lúc này dung lượng pin của xe còn 81%, tôi dự tính sẽ không dừng sạc giữa đường để xem chiếc xe này tiêu hao năng lượng thực tế bao nhiêu và có khả năng lăn bánh “một mạch” về đến TP.HCM như ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu hay không?
Cung đường từ Đà Lạt về TP.HCM đa phần đỗ dốc nên chiếc xe thể hiện hiệu suất đáng ngạc nhiên. Với lượng pin 1%, chiếc VinFast VF8 có thể di chuyển 6 – 7 km trên cung đường này (bình thường dao động 3 – 4 km). Theo đó, khi đến Bảo Lộc với quãng đường đã di chuyển khoảng 110 km, chiếc xe lúc này vẫn còn 63% lượng pin.
Chiếc xe tiếp tục di chuyển tới đèo Bảo Lộc, trước khi đỗ đèo, lượng pin trên xe còn 60%. Trong suốt quá trình di chuyển, nhờ lấy lại năng lượng từ phanh tái tạo, VinFast VF8 đi hết đèo Bảo Lộc và có thêm 4% lượng pin nữa. Như vậy, quá trình đổ đèo giúp xe sạc lại pin lên mức 64%.
Khi xe về tới đèo Chuối với hiệu suất vận hành tốt, lượng pin còn 60% và tiếp tục được sạc lại lên 62% sau khi kết thúc đèo. Từ vị trí này, đường sá bắt đầu bằng phẳng hơn nên xe sẽ quay về với hiệu suất thông thường.
Về tới xa lộ Hà Nội (TP.HCM), màn hình trên chiếc VinFast VF8 báo còn 28% lượng pin và có thể di chuyển thêm 123 km. Theo dõi trên ứng dụng của VinFast, đoạn đường gần 300 km chỉ tiêu tốn 51 kWh, trong khi dung lượng tối đa của pin là 88 kWh.
Với pin sạc đầy, có thể nói VinFast VF8 đủ sức “chạy thẳng” từ Đà Lạt về TP.HCM mà không phải lo lắng đến lượng pin. Tổng kết chuyến đi, xe có 3 lần sạc pin: lần đầu trước khi xuất phát tại TP.HCM, lần 2 sạc tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) và lần 3 sạc ở Đà Lạt trước khi về lại TP.HCM với tổng thời gian sạc đầy pin khoảng 3 giờ.
Anh chị đặt mua xe tại: https://vinfastnamthai.com.vn/
#VinFast #VinFastNamThai #VinFastVF8 #VF8